Lũy kế đến nay các KCN, KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đã thu hút được 76 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 36,8 triệu USD và 14.543 tỷ đồng.
Những thành tựu đạt được trong 10 năm xây dựng và phát triển
Cao Bằng nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nên tạo được lợi thế to lớn trong hoạt động phát triển kinh tế biên mậu. Để tận dụng triệt để những tiềm năng, thế mạnh này, những năm qua Tỉnh Cao Bằng đã quan tâm chú trọng xây dựng các giải pháp, định hướng phát triển kinh tế biên mậu tại địa phương và đưa vào Chương trình trọng tâm cuả Tỉnh theo từng giai đoạn (từ việc xây dựng bộ máy, mô hình quản lý nhà nước đến hoạch định chính sách dài hạn phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương).
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Cao Bằng (viết tắt là Ban Quản lý) được thành lập năm 2010 trên cơ sở hợp nhất 03 Ban Quản lý cửa khẩu và Công ty phát triển hạ tầng KCN Đề Thám, với chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh Cao Bằng giao trực tiếp quản lý nhà nước về khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) cửa khẩu trên địa bàn, tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN, KKTcửa khẩu.
Từ khi thành lập đến này Ban Quản lý đã nỗ lực hết mình quản lý và xây dựng các KCN, KKT cửa khẩu thực sự trở thành “xương sống” của nền kinh tế Tỉnh, đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển (21/9/2010-21/9/2020).
Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý đã được kiện toàn; tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng phát triển lớn mạnh không ngừng cả bề rộng lẫn chiều sâu, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn vững vàng, đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, Ban Quản lý có 03 phòng chuyên môn và 06 đơn vị trực thuộc với tổng số 141 công chức, viên chức và người lao động.
Trải qua quá trình 10 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý KKT đã không ngừng phấn đấu không mệt mỏi để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xây dựng và phát triển KCN, KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng trở thành vùng kinh tế động lực, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới.
Với những cố gắng nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý trong 10 năm qua, tập thể và cá nhân Ban Quản lý đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng (Cờ thi đua hạng Nhất, Bằng khen...) vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quản lý nhà nước, phát triển KKT cửa khẩu, KCN, bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Do nhiệm vụ quản lý nhà nước trong môi trường đặc thù tiếp giáp với đường biên giới Trung Quốc, Ban Quản lý KKT Cao Bằng luôn xác định vai trò và trọng trách quan trọng được Tỉnh giao trong công tác quản lý nhà nước đối với KCN, KKT cửa khẩu, đặc biệt là hoạt động thương mại biên giới cũng như công tác an ninh, quốc phòng.
Xây dựng cơ chế chính sách quản lý, phát triển KKT cửa khẩu và KCN
Để làm tốt nhiệm vụ, Ban đã nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách quản lý, phát triển KKT cửa khẩu và KCN trên địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác tham mưu cho UBND Tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, thành lập mới KCN Chu Trinh; tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành các văn bản Quy phạm pháp luật, các chính sách quản lý riêng phù hợp với đặc thù, biện pháp công tác quản lý nhà nước tại địa phương; Xây dựng, ban hành quy định về điều tiết hàng hóa tái xuất qua địa bàn Tỉnh; đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn Tỉnh; thúc đẩy và hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh thành lập chi hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics...
Cơ chế chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới trong KKT cửa khẩu được nghiên cứu xây dựng phù hợp với công tác quản lý nhà nước tại địa phương, giúp duy trì công tác quản lý nhà nước hiệu quả. Mặt khác hệ thống cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh hiệu quả trong KKT cửa khẩu.
Chuyển biến mạnh mẽ "bộ mặt" KKT và KCN
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu, KCN những năm qua được Chính phủ và tỉnh Cao Bằng quan tâm đầu tư đáng kể. Đến nay đã có 31 dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng trong KKT và KCN Tỉnh (trong đó đã có 21dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 10 dự án đang triển khai thực hiện).Các dự án hoàn thành phát huy hiệu quả rõ rệt, hạ tầng từng bước khang trang và đồng bộ phần cứng, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa trong KKT cửa khẩu và thu hút dự án đầu tư vào KKT và KCN.
Ngoài ra các dự án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các xã, thị trấn biên giới nơi có cửa khẩu, lối mở cũng được triển khai thực hiện, góp phần định hướng phát triển các ngành kinh tế, thu hút đầu tư và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Về hạ tầng kinh doanh thương mại, đã có 41 dự án của 26 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư và kinh doanh hạ tầng bến bãi, trung tâm logistics, khu trung chuyển hàng hoá với tổng vốn đăng ký gần trên 8,9 nghìn tỷ đồng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động kinh tế biên mậu trên địa bàn KKT cửa khẩu. Đã có 22 dự án đi vào hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động trong hoạt động KKTcửa khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước.
Hoạt động thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu và KCN ngày càng được đổi mới, đa dạng hóa về phương thức, nội dung và chương trình. Theo đó, Ban Quản lý chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường kết nối với các tổ chức xúc tiến đầu tư, với cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với lựa chọn thị trường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp). Tích cực tham gia các chương trình, hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư do các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương tổ chức; định kỳ hàng năm tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp, thông qua đó tạo sự kết nối giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp lắng nghe và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư và đúc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Với những cố gắng trên, công tác thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu và KCN đã có những chuyển biến rõ rệt, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đầu tư dự án lớn có tính chất lan tỏa vào KKT cửa khẩu (điển hình là 02 dự án Trung tâm Logistics, Khu trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh với số vốn đăng ký trên 6 nghìn tỷ đồng, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng với số vốn đăng ký là 4.300 tỷ đồng).
Tính đến nay, Ban Quản lý đã thẩm định hồ sơ cấp mới 100 Giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn KKT cửa khẩu, KCN tỉnh Cao Bằng. Lũy kế đến thời điểm hiện tại trong KKT cửa khẩu và KCN Tỉnh có 76 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 67 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 14.543 tỷ đồng và 09 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký là 36,8 triệu USD (trong đó tại KCN thu hút được 02 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 499 tỷ đồng). Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, kho bãi hàng hoá xuất nhập khẩu.
Tại KKT cửa khẩu trước đây hoạt động kinh doanh buôn bán thường nhỏ lẻ, đến nay hoạt động diễn ra tấp lập hơn, quy mô hơn với hệ thống nhiều nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ được đầu tư bởi các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, đã xuất hiện thêm một số tiểu đô thị vùng biên tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng và Trà Lĩnh. hoạt động xuất nhập khẩu, thu ngân sách từ các hoạt động tại cửa khẩu không ngừng tăng lên. Kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2010-2020 đạt trị giá trên 16,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 25,5%/năm. Nếu như năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 308 triệu USD thì đến năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt được 2,3 tỷ USD, gấp 7,7 lần năm 2010.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập cảnh của người và phương tiện hàng hoá giai đoạn 2010 – 2020 tăng dần qua các năm. Số lượt người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu (đi bằng hộ chiếu) trong KKT cửa khẩu giai đoạn 2010-2020 đạt 230.937 lượt; số lượt người xuất nhập cảnh vùng biên giới đạt 4.854.698 lượt; lượt phương tiện xuất nhập cảnh đạt 147.349 lượt.
Sự phát triển của hoạt động tại khu vực các cửa khẩu, lối mở biên giới trong những năm qua cũng đã có những tác động trực tiếp tới cơ cấu phát triển các ngành kinh tế mà cụ thể là ngành thương mại dịch vụ. Qua đó đã giúp cho đời sống nhân dân khu vực biên giới được nâng cao, góp phần đảm bảo anh ninh trật tự trên địa bàn.
Tính đến nay, tổng các khoản thu ngân sách đối với các hoạt động tại cửa khẩu, lối mở giai đoạn năm 2010-2020 thu được trên 3,8 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,3%/năm. Chỉ tính riêng nguồn thu ngân sách này đã đóng góp cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh khoảng 30-35%/năm; thu thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu khác thu được 2,2 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm thu được trên 200 tỷ đồng, mức thu nhìn chung năm sau cao hơn năm trước.
Với những kết quả Mà Ban Quản lý đạt được là minh chứng sống động khẳng định KKT cửa khẩu là khu vực động lực, năng động, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội chung của Tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước trong KKT cửa khẩu và KCN
Với vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong KKT cửa khẩu và KCN hiểu rõ và thực hiện đúng, nghiêm các các cơ chế, chính sách đầu tư trong KKT cửa khẩu và KCN; các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh,...
Định kỳ hàng năm Ban Quản lý tổ chức các chương trình gặp gỡ, đối thoại với các nhà đầu tư với mục đích tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư để kịp thời có phương hướng xử lý hiệu quả. Đồng thời qua các buổi gặp gỡ lồng ghép với việc quảng bá, xúc tiến đầu tư để giới thiệu tiềm năng thế mạnh của Tỉnh; các quy hoạch xây dựng trong KCN, KKT cửa khẩu; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư vào KKT cửa khẩu. Phát hành catalog, video clip giới thiệu về KKT cửa khẩu, KCN; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần giúp chính quyền và người dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Công tác quản lý cửa khẩu, thương mại biên giới những năm qua luôn được Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về buôn lậu và gian lận thương mại. Đến nay công tác quản lý nhà nước tại cửa khẩu, lối mở đi vào nề nếp và có nhiều chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành ngày càng phát huy hiệu quả, đảm bảo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh…
Công tác quốc phòng- an ninh, đối ngoại được thực hiện tích cực, hiệu quả. Ban Quản lý xây dựng KKT cửa khẩu gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Để hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách tục hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Kể từ khi thành lập đến nay, Ban đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh về công tác cải cách hành chính bằng nhiều hình thức thiết thực, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị cũng như lĩnh vực hoạt động của cơ quan. Từ đó, nhận thức về vị trí, vai trò công tác cải cách hành chính của công chức, viên chức và người lao động của Ban đã được nâng lên. Đến nay, Ban đã thực hiện cắt giảm 48/56 thủ tục hành chính với thời gian cắt giảm là 365 ngày. Việc giải quyết các thủ tục hành chính đã được công bố đảm bảo tuân thủ các quy định về trình tự thực hiện, hồ sơ, thời gian giải quyết, yêu cầu, điều kiện, mẫu đơn, mẫu tờ khai....
Những năm qua, Ban Quản lý rất quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của công chức, viên chức để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong việc đào tạo, tập huấn cho lao động tại các doanh nghiệp sử dụng lao động thuộc địa bàn và phạm vi quản lý. Ngoài ra, hàng năm Văn phòng Ban tham mưu cử công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ như: kỹ năng báo cáo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, nghiệp vụ đấu thầu, công nghệ thông tin…
Xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu là vùng kinh tế động lực phía Bắc
Trưởng ban Nguyễn Kiên Cường phát biểu tại Tọa đàm kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng
Qua 10 năm xây dựng và phát triển đã đánh dấu những bước phát triển lớn mạnh của Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng nói riêng và hệ thống KKT cửa khẩu, KCN trên địa bàn nói chung. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu và KCN trên địa bàn, thời gian tới Ban Quản lý đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện đó là:
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KKT và KCN; tham mưu cho UBND Tỉnh trong các lĩnh vực như xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cửa khẩu, KCN.
Tiếp tục xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh, xây dựng và phát triển KCN Chu Trinh trở thành điểm nhấn về phát triển công nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới.
Phát huy vị trí KKT cửa khẩu để đưa tỉnh Cao Bằng là đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế từ các tỉnh Tây, Tây Nam (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng – đi các nước ASEAN và quốc tế. Xây dựng và phát triển KKT cửa khẩu là khu trung chuyển hàng hóa lớn vùng Đông Bắc, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữ Việt Nam-Trung Quốc.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; kịp thời, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh trên toàn bộ các sở, ngành, UBND cấp huyện (DDCI).
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cửa khẩu, KCN hàng năm và từng giai đoạn sát với tình hình thực tế tại địa phương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Tăng cường đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại KKT cửa khẩu và KCN.
Thực hiện tốt Quy chế phối hợp với các ngành chức năng, duy trì thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu và lối mở thuộc phạm vi quản lý.
Tăng cường tham mưu cho Tỉnh về công tác đối ngoại, bên cạnh đó tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại của Ban; định kỳ thường xuyên gặp gỡ tọa đàm với các đối tác Trung Quốc để cùng nhau bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và chính sách phát triển biên giới.
Chỉ đạo các Trung tâm quản lý và khai thác dịch vụ hạ tầng KKT và các Ban Quản lý cửa khẩu; phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu; khai thác các nguồn thu một cách triệt để, góp phần tăng thu ngân sách cho Tỉnh.
Hoàn thiện công tác xây dựng Quy hoạch chung KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng và các phân khu chức năng tạo thuận lợi cho định hướng phát triển các ngành kinh tế và thuận lợi trong công tác thu hút đầu tư.
Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển.
Theo đó, các giải pháp chủ yếu Ban Quản lý cần triển khai đó là:
Thứ nhất, bám sát việc thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách hàng năm của Tỉnh. Tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành trong quản lý nhà nước.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị cơ sở để nắm bắt tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Động viên cán bộ, công chức trong toàn Ban phát huy tinh thần sáng tạo trong công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT cửa khẩu và KCN trên địa bàn.
Thứ tư, tập trung nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm tại khu vực các cửa khẩu, lối mở phục vụ cho hoạt động kinh tế biên mậu, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Thứ năm, phân kỳ vốn đầu tư phù hợp cho từng giai đoạn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình trong đầu tư phù hợp cho từng dự án. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư gắn với nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo toàn và hiệu quả dự án.
Thứ sáu, xây dựng các giải pháp tích cực mạnh mẽ về cơ chế chính sách huy động nguồn vốn, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu theo hướng đồng bộ, hiện đại để khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); huy động xã hội hóa các công trình công cộng, dịch vụ, tiện ích xã hội; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước nói chung và đầu tư xây dựng cơ bản…
Từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu song hành với việc định hướng, hoạch định chính sách quản lý và khai thác sao cho hợp lý để giảm thiểu tối đa chi phí về thời gian và dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Để phát huy được đầy đủ tiềm lực của kết cấu hạ tầng phần cứng thì cần có hạ tầng phần mềm tương xứng, đó chính là cơ chế chính sách trong quản lý và vận hành sau khi hoàn thành kết cấu hạ tầng phần cứng.
Thứ bảy, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành nghề chủ lực có tính chất quyết định đến hình thành và phát triển KKT cửa khẩu, KCN trong các ngành dịch vụ, sản xuất; tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ chuyên môn làm việc trong hệ thống các cơ quan quản lý trong KKT cửa khẩu, KCN.
Thứ tám, thực hiện tốt công tác đối ngoại, đặc biệt là với các cơ quan quản lý cửa khẩu phía Trung Quốc để chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển chính sách thương mại biên giới giữa hai bên.
Thứ chín, đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường công tác thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu, KCN./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://banqlkkt.caobang.gov.vn là vi phạm bản quyền